Cảnh trong phim Lunana: A yak in the classroom - Ảnh: Samuel Goldwyn Films
Đó là một bộ phim nhỏ bé và tinh khiết được sản xuất ở ngôi làng hẻo lánh cao nhất của thế giới và mang đến một giá trị mới về hạnh phúc.
Điện ảnh trên dãy Himalaya
Hầu như thế giới không biết gì về điện ảnh của Bhutan - một đất nước Phật giáo nhỏ bé, bị cô lập bởi những dãy núi Himalaya hùng vĩ và các quốc gia lớn bao quanh. Cả đất nước này chỉ có vài rạp chiếu phim và đôi khi người ta phải mất cả ngày trời mới đến được rạp chiếu ở các thành phố chính. Năm 1999, Bhutan trở thành quốc gia cuối cùng trên thế giới mở cửa cho truyền hình và Internet. Đó cũng là năm đầu tiên Bhutan gửi bộ phim The Cup của một đạo diễn kiêm vị lạt ma Khyentse Norbu đến tranh giải Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất nhưng không được đề cử, dù nó gây tiếng vang tại LHP Cannes và nhận khá nhiều giải thưởng tại một số LHP danh giá khác trên thế giới.
Rất tình cờ, năm 1999 cũng là năm mà Nepal, một quốc gia nhỏ bé khác trên dãy Himalaya với nền văn hóa khá tương đồng, có phim lọt vào top 5 Phim nói tiếng nước ngoài tại giải Oscar lần thứ 72. Đó là bộ phim Himalaya: Caravan của đạo diễn người Pháp Éric Valli.
Himalaya: Caravan là một bộ phim hành trình tuyệt vời và kỳ vĩ, được quay ở độ cao 5.000m ở vùng núi xa xôi Dolpa của dãy Himalaya, kể câu chuyện về những người dân làng dẫn một đàn bò yak Tây Tạng vượt núi non hiểm trở từ cao nguyên xuống đồng bằng để đổi muối lấy ngũ cốc. Bộ phim nói lên bản chất vô thường của cuộc sống khi đối mặt với môi trường khắc nghiệt và vẻ đẹp phong tục tập quán truyền thống của văn hóa Tây Tạng, như tục thiên táng chẳng hạn.
Mãi tới 23 năm sau mới có một bộ phim có bối cảnh và màu sắc văn hóa tương tự được đề cử Oscar. Điều khác biệt là Lunana: A yak in the classroom của Bhutan là một bộ phim có quy mô nhỏ hơn nhiều và hành trình thực hiện bộ phim này là điều khó tưởng tượng.
Đây là bộ phim đầu tay của biên kịch và đạo diễn trẻ Pawo Choyning Dorji - một người gốc Ấn nhưng sinh sống ở Bhutan với nghề nhiếp ảnh và làm phim. Tình yêu điện ảnh của Dorji đến từ người thầy Khyentse Norbu, vị đạo diễn và lạt ma từng có phim The Cup lần đầu đại diện Bhutan tranh giải Oscar nói trên. Những kinh nghiệm làm phim ở môi trường khắc nghiệt nhất thế giới đến từ người cố vấn này đã tiếp thêm năng lượng cho Dorji, cho dù anh phải vật lộn trong nhiều năm trời để xem việc thực hiện bộ phim này có khả thi hay không.
Cảnh trong phim Lunana: A yak in the classroom
Con bò và bài ca hạnh phúc
"Để làm bộ phim này, tôi phải tiếp tục đẩy bản thân ngày càng xa khỏi nền văn minh", đạo diễn nói. Anh đã đi bộ nhiều ngày trời, tiến vào các thung lũng hiểm trở phía đông của Bhutan và xa hơn nữa trên dãy Himalaya. Nhiều chất liệu tuyệt vời trên chuyến hành trình này sau đó đã được anh đưa vào phim. Vào năm 2018, sau ba năm trời tự trải nghiệm và chuẩn bị, anh quyết định thực hiện bộ phim. "Tôi sẽ phải đến Lunana. Không có cách nào khác để thực hiện bộ phim này ngoài ngôi làng cao nhất thế giới này", anh nói.
Sau một năm rưỡi, với khoản tiền sản xuất và nguồn kinh phí tài trợ khoảng 200.000 USD, Dorji đã mua 65 con la và các tấm pin mặt trời, đèn pha, máy quay và thiết bị âm thanh cho chuyến đi bộ 8 ngày trên núi. Đi cùng anh là diễn viên chuyên nghiệp duy nhất của bộ phim, Sherab Dorji - một anh chàng nhạc sĩ tân binh sinh sống ở Thimphu, thủ đô của Bhutan. Trong phim, Sherab đóng vai một giáo viên bất đắc dĩ sống ở thành phố được phân công đến một ngôi làng hẻo lánh trên núi cao để dạy học cho bọn trẻ ở đây, trong khi khát vọng của anh là sang Úc tiếp tục du học và trở thành một nhạc sĩ tên tuổi ở đó.
Bị đẩy vào một ngôi làng xa xôi tận cùng thế giới và thiếu thốn đủ bề, chàng giáo viên trẻ gần như định bỏ chạy sau ngày đầu tiên đặt chân đến, nhưng rồi ánh mắt thơ ngây và khao khát việc học của đám trẻ đã níu chân anh ta trở lại. Để rồi từ đó, người thầy giáo trẻ bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống đơn sơ thuần khiết ở đây, được truyền cảm hứng từ một người chăn nuôi bò yak. Không chỉ dạy anh bài hát dân gian truyền thống của Bhutan về vòng đời của cuộc sống, người chăn bò còn cho anh mượn một con bò yak để sống cùng và cung cấp phân, nguồn nhiệt rất cần thiết để đốt lên, sưởi ấm.
Bộ phim đã mang lại cho người xem những hình ảnh tinh khiết như dòng nước chảy ra từ dãy núi băng Himalaya. Bối cảnh lên phim tuyệt đẹp bởi tự thân nó đã quá đẹp, những đứa trẻ và dân làng xuất hiện trên phim như là phiên bản của họ ngoài đời.
"Tôi muốn ghi lại sự tinh khiết của nơi này. Mọi người đều đang tìm kiếm những gì sôi động nhất trong các ánh đèn đô thị hiện đại ở phương Tây, vì vậy tôi muốn kể một câu chuyện về một người trẻ ở một nơi hoang vắng và xa xôi nhất ở Bhutan và có thể là trên thế giới này" - đạo diễn nói.
Và không cần phải tuyên ngôn hay đưa ra bất cứ một thông điệp nào, bộ phim tinh khiết này đã tự thân cất lên tiếng nói của mình về hạnh phúc với những giá trị nguyên bản và thuần khiết nhất từ Phật giáo.
Hạnh phúc không đến từ danh vọng hay tiền bạc hay sự tiện nghi của nền văn minh. Hạnh phúc đến từ sự sẻ chia và giúp đỡ cho cộng đồng quanh ta. Lunana: A yak in the classroom đã nói với chúng ta như thế về hạnh phúc!
Cảnh trong phim Lunana: A yak in the classroom
Vượt qua các rào cản
Đây cũng là lần thứ 2 Bhutan có phim tranh giải Oscar và Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ suýt nữa đã loại bỏ nó vì không đủ điều kiện tranh giải bởi vì quốc gia nhỏ bé này không có ủy ban tuyển chọn chính thức để ứng cử phim.
Thế nhưng, vẻ đẹp tinh khiết và thông điệp tươi sáng của bộ phim về hạnh phúc đã giúp bộ phim vượt qua những rào cản để có mặt trong danh sách đề cử và cuối cùng lọt vào top 5. Một điều không ai dám tưởng tượng là nó đánh bại bộ phim A Hero của Asghar Farhadi - đạo diễn người Iran đã từng 2 lần thắng giải Oscar ở hạng mục này.
No comments:
Post a Comment