Đạo diễn phim Người lắng nghe: Tôi cắn răng tìm hướng xoay sở khi “ngâm” vốn cả chục tỷ đồng làm phim kinh dị - QUỸ TẤM LÒNG VÀNG

Post Top Ad

Thursday, March 10, 2022

Đạo diễn phim Người lắng nghe: Tôi cắn răng tìm hướng xoay sở khi “ngâm” vốn cả chục tỷ đồng làm phim kinh dị

Từ thầy giáo trở thành đạo diễn phim kinh dị là một hành trình gian nan

Đạo diễn phim Người lắng nghe: "Ai cũng có những nỗi niềm không thể nói ra" - Ảnh 1.

Đạo diễn Khoa Nguyễn từng là một giảng viên đại học. Ảnh: NVCC

Được biết, Khoa Nguyễn từng là thầy giáo. Lý do nào khiến anh rẽ lối trở thành đạo diễn?

- Tôi ngừng công việc tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khi chưa có hứng thú về lĩnh vực sản xuất phim. Đầu năm 2011, tôi rời trường Đại học khi đang làm giảng viên, Đảng ủy viên và Phó bí thư đoàn trường. Sau hơn 10 năm gắn bó tôi thấy các công việc ở trường không phù hợp, không hấp dẫn mình nữa. Công việc giảng dạy, Phó bí thư và cả bảo vệ luận án thạc sĩ đều là những công việc quan trọng mà không vui thì tôi không làm tốt. Dạy cho sinh viên mà không làm tốt thì nguy hiểm cho cả hai.

Tôi chọn dừng lại và không biết làm gì, đành  làm đủ thứ nghề: bán lẻ và làm nhân viên cho công ty điện tử truyền thông, mở trường cho trẻ con… Tôi thử nhiều để xem mình hợp điều gì nhất. Đáng chú ý là tôi làm sản xuất chương trình cho HTV3 và chị giám đốc là người thầy đầu tiên dạy cho tôi về sản xuất chương trình  truyền hình.

Tôi về làm được gần 1 năm thì nhận thấy lĩnh vực này phù hợp với mình và giúp tôi phát huy được những gì tôi tích lũy 10 năm làm công tác ở trường. Tôi là dân học hành nên muốn chuyển nghề tôi phải đi học. Thời gian ở HTV3 vì "tay ngang" nên tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Tôi quyết định nghỉ HTV3 và thi vào khoa đạo diễn trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh khóa 2014 -2018. Trong quá trình này vừa học vừa làm, tôi tìm kiếm đội ngũ quay, dựng phim cho riêng mình…

Thực ra từ năm 2016 tôi đã tham gia làm phim, tham gia với tư cách là nhà sảnxuất để tích lũy kinh nghiệm. Năm 2018 tốt nghiệp, năm 2019 viết kịch bản, năm 2020 sản xuất phim Người lắng nghe để dự kiến 2021 phát hành nhưng do dịch bệnh nên hoãn đến 2022 mới phát hành. Hành trình của tôi là như thế, tính đến khi hoàn tất phim đầu tay cũng tròn 10 năm, để chuyển từ 1 giảng viên đại học sang vai trò đạo diễn, là hành trình rất nhiều khó khăn.

Đạo diễn phim Người lắng nghe: "Ai cũng có những nỗi niềm không thể nói ra" - Ảnh 2.

Kiến thức chuyên môn và biểu hiện lâm sàng bệnh lý của các nhân vật trong phim Người lắng nghe là hiện thực của các nhà trị liệu đưa ra. Ảnh: NSX

Và phim đầu tay Người lắng nghe đã thể hiện cá tính của Khoa Nguyễn trong phim?

- Tôi nói, cá tính chính mình có vẻ chưa chuẩn, hãy để những người làm việc chung với tôi chia sẻ. Nhưng vì tôi từng làm ngành khoa học nên đặc điểm kịch bản phim của tôi điểm đầu tiên là có điểm tựa khoa học rất lớn. Khi chấp bút viết kịch bản là tôi làm việc với hai nhà khoa học: 1 người đang làm việc tại TP.HCM, 1 người đang học ở Singapore, cả hai người đang là thạc sĩ chữa bệnh cho nhiều người.

Hai bạn đồng hành với tôi từ lúc hình thành kịch bản đến khi quay phim. Vì vậy kiến thức chuyên môn và biểu hiện lâm sàng bệnh lý của các nhân vật trong phim là hiện thực của các nhà trị liệu đưa ra và tôi đúc kết lại để đưa vào phim. Nếu tôi không có điểm xuất phát là làm khoa học, giảng viên đại học thì chắc là tôi không làm được kịch bản Người lắng nghe, không đi theo đề tài phim kinh dị - tâm lý.

Đặt kịch bản khó, không chọn được kịch bản vừa ý có phải là lý do khiến Khoa Nguyễn tự viết kịch bản và đạo diễn?

- Từ lúc quyết định sản xuất phim tôi không có ý định chọn kịch bản hay đặt kịch bản từ biên kịch nào cả, khuynh hướng của tôi tự viết kịch bản và tự sản xuất. Sau này, nếu nhà sản xuất đưa kịch bản, tôi cần xem có thích kịch bản đó không, khả năng tôi có can thiệp vào kịch bản đó không, điều đó sẽ quyết định tôi có nhận lời hay không đạo diễn kịch bản không phải do mình sáng tác.

Đạo diễn phim Người lắng nghe: "Ai cũng có những nỗi niềm không thể nói ra" - Ảnh 3.

"Tôi thích câu chuyện Người lắng nghe từ 2016 sau khi đọc 1 bài viết trên báo Tuổi Trẻ viết về dịch vụ cho thuê người lắng nghe tại Nhật", đạo diễn Khoa Nguyễn chia sẻ. Ảnh: NSX

Anh có quá tự tin khi tự viết kịch bản? Việc cân bằng cảm xúc viết kịch bản và cân bằng thị hiếu khán giả là bài toán rất khó lại kiêm thêm vai trò đạo diễn?

- Đúng vậy, nhưng tôi biết làm sao vì tôi nghĩ việc đầu tiên khi làm phim là tôi thích câu chuyện đó, tôi xem mình là người kể chuyện, tôi thích thì kể chuyện mới tốt được. Tôi thích câu chuyện Người lắng nghe từ 2016 sau khi đọc 1 bài viết trên báo Tuổi Trẻ viết về dịch vụ cho thuê người lắng nghe tại Nhật.

Đời sống bên Nhật tạo ra áp lực cuộc sống rất lớn nên việc cần được chia sẻ giải tỏa nội tâm là nhu cầu có thật. Nhưng không phải ai cũng chịu gặp nhà trị liệu tâm lý vì như thế là xác định có bệnh. Vậy nên dịch vụ cho thuê người lắng nghe có chuyên môn trị liệu tâm lý để khách hàng giải tỏa tâm lý. 

Nhiệm vụ của nhân viên công ty là chỉ ngồi lắng nghe! Tôi rất thích bài báo đó vì tôi nghiệm ra cuộc sống của tôi và những người xung quanh ai cũng có những nỗi niềm riêng nhưng không phải ai cũng có thể nói ra được, ngay cả chia  sẻ với người thân cũng khó khăn, thế nên nhu cầu cần người lắng nghe là có thật. Tôi thích ý tưởng đó, theo đuổi và viết thành phim.

Làm phim đầu tay, tự viết kịch bản, anh sắp xếp bài toán kinh phí sản xuất ra sao? Anh gặp khó khăn gì khi phim hoàn tất lại chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19?

- Lần đầu làm phim, đạo diễn mới, đề tài khó, diễn viên không bảo chứng phòng vé, khi viết kịch bản là tôi đã nhắm mời Oanh Kiều và Quang Sự vào vai… Khi bày tất cả những điều này lên bàn cân thì rõ ràng không có gì để đầu tư vì đầu tư không có tính thương mại ngay.

Tôi phải tự tìm nguồn vốn. Thế nên khi chuẩn bị được một số vốn đủ sản xuất thì tôi thực hiện thôi. Trong quá trình vừa làm vừa xoay sở, không dễ, phim hoàn tất thì dịch Covid-19  diễn biến phức tạp, phim không thể chiếu khiến tôi "ngâm" vốn cả chục tỷ trong hơn 1 năm. Đây cũng là trở ngại và thật sự tôi không có giải pháp đành tự cắn răng chịu, tự tìm hướng xoay sở. Mà không phải mình tôi mà các nhà sản xuất phim khác cũng thế vì dịch bệnh không ai biết trước mà! Tôi làm thêm nhiều thứ để duy trì công việc chờ thời điểm phát hành phim.

Phim kinh dị - tâm lý khó nhưng trong cái khó luôn có cơ hội

Làm phim vì đam mê và cả cảm xúc thì "cuộc chơi" này có trả giá quá cao không anh?

- Tôi làm phim vì đam mê và cả làm kinh tế cho cuộc sống của tôi nữa. Để làm phim không chỉ mình tôi mà còn ê-kíp. Tuy khi bắt đầu sản xuất phim tôi chưa đủ số vốn cần nhưng tôi có nhà đầu tư nên trách nhiệm của người chủ trì dự án, trách nhiệm của đạo diễn buộc tôi phải làm chủ nguồn vốn. Những chuyện liên quan kinh doanh, tôi phải tính nhiều cách để giải bài toán thương mại. Tôi không làm phim để thỏa đam mê cá nhân, hay đi thi lấy giải thưởng.

Nhưng chuyện tôi chọn dòng phim khó để thực hiện vì trong cái khó luôn có cơ hội. Rõ ràng thể loại phim kinh dị có lượng khán giả riêng dù khó bùng nổ như phim hài được vài trăm tỷ nhưng vẫn có người xem. Phim kinh dị đâu đó vẫn có và doanh thu từ hòa đến thắng, cho nên bài toán này không phải là bài toán không lời giải, quan trọng vẫn là chất lượng phim.

Đạo diễn phim Người lắng nghe: "Ai cũng có những nỗi niềm không thể nói ra" - Ảnh 4.

Đạo diễn Khoa Nguyễn sẽ vẫn đi theo dòng phim kinh dị - tâm lý dù có gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NVCC

Anh có suy nghĩ gì trước ý kiến phim đạt giải thưởng quốc tế thường khó hiểu, kén khán giả trong nước?

- Thông lệ ở thị trường phim Việt, quan điểm của khán giả mặc định là phim có giải thì khó có doanh thu. Tôi có lo lắng về điều này nhưng tôi xác định phim tôi sản xuất là phim thương mại chinh phục khán giả trong nước chứ không phải làm phim để đi thi lấy giải thưởng.

Lộ trình sau khi hoàn tất phim của tôi là chiếu phục vụ khán giả trong nước rồi mới mang đi thi quốc tế để biết sức mình đến đâu, cần những thay đổi gì. Nhưng do dịch bệnh nên lộ trình thay đổi tôi mang phim dự thi trước vì không muốn uổng phí thời gian.

10 năm quan sát và trải qua 2 năm đối mặt với dịch bệnh mới ra mắt được phim đầu tay. Thời gian đó có bao giờ làm đạo diễn Khoa Nguyễn thay đổi quan điểm, chuyển đề tài làm phim để "đánh nhanh thắng nhanh" không?

- Tôi lựa chọn phong cách làm phim kinh dị tâm lý vì hai yếu tố. Đầu tiên là do tôi thích. Tôi thích tạo ra bầu không khí căng thẳng cho người xem buộc mọi người phải chăm chú dõi theo câu chuyện và... thót tim với những màn kinh dị…

Yếu tố thứ hai rất quan trọng là thị trường phim ảnh Việt hiện nay có 5-6 phim thành công bao gồm thể loại phim hài, phim remake - chuyển thể. phim kinh dị thành công rất ít, như phim Quả tim máu đạt doanh thu cao 86 tỷ nhưng cũng dựa trên vở kịch của đạo diễn - diễn viên Thái Hòa.

Tôi là người mới trong vai trò đạo diễn mà xông vào thể loại đã thành công thì sẽ khó và sẽ lâu để khán giả và giới chuyên môn nhớ đến mình. Dòng phim kinh dị là mảnh đất màu mỡ còn tiềm năng, chưa nhiều phim nổi bật. Nên đó là cơ hội nhưng cũng không dễ làm.

Tôi xác định đi vào chỗ khó để tìm cơ hội nên sẽ đi sâu vào đề tài nội tâm con người. Đi qua 2 năm dịch với nhiều tổn thất tôi không thay đổi quan điểm, tôi là người mới nếu không kiên trì định vị cá nhân thì đến khi nào mọi người mới nhớ đến tôi, cho nên tôi vẫn sẽ sáng tạo tiếp kịch bản theo đề tài này!

Vậy mục tiêu thời gian tới anh sẽ làm gì với phim đề tài kinh dị chinh phục khán giả nếu giả sử bước đi đầu tiên không định vị được tên gọi đạo diễn Khoa Nguyễn?

- Tôi đã có 2 kịch bản phim, một bắt đầu casting và một kịch bản đang hoàn chỉnh cũng đề tài kinh dị - tâm lý. Tôi đặt mục tiêu  khoảng từ 3 -5 năm phải định vị để nhắc đến đề tài và dòng phim kinh dị thì khán giả sẽ nhớ đến tôi!

Cảm ơn đạo diễn Khoa Nguyễn đã chia sẻ!

Bài viết Đạo diễn phim Người lắng nghe: Tôi cắn răng tìm hướng xoay sở khi “ngâm” vốn cả chục tỷ đồng làm phim kinh dị được tổng hợp nguồn từ Internet, Hay để lại ý kiến của bạn sau bài viết này

No comments:

Post a Comment

Post Bottom Ad