Bạn có biết là công chức Nhà nước cũng không bị cấm xăm hình không?
Đọc bài báo Nữ sinh bị buộc thôi học về xăm mình xong, tôi thử tìm trong những người mình quen biết có những ai xăm hình.
Đầu tiên là bạn tôi, một colorist có tiếng trong giới làm phim - Bùi Công Anh - người chỉnh màu cho các phim Ròm, Nhắm mắt thấy mùa hè, Valentine trắng, Lời nguyền gia tộc… và hàng trăm bộ phim, phim ngắn, TVC, chương trình truyền hình khác. Công Anh có hình xăm kỷ hà lớn trên bắp tay.
Rồi Nguyễn Ngọc Thạch - một tác giả viết về giới trẻ được nhiều người yêu thích. Thạch có hình xăm dòng chữ “Live Fast, die young, be wild, have fun” trên tay. Đây là một câu trong ca khúc Ride của ca sĩ-nhạc sĩ người Mỹ Lana Del Rey, thể hiện sự khao khát sống hết mình trong hiện tại.
Liêng, một cô gái là producer cho nhiều chương trình radio thú vị phát trên làn sóng FM 99.9 mgHz của Đài tiếng nói nhân dân TP HCM như Sài Gòn buổi sáng, là một trong những admin chính của group cực kỳ lớn mạnh mang tên Bạn hữu đường xa. Liêng xăm dòng chữ họ tên của mẹ trên tay.
Đạo diễn Lê Kim Hưng (hay được biết trong giới với nghệ danh Trầm) có rất nhiều hình xăm ở tay, chân.
Hằng Kira Kira, cô gái xinh đẹp và cá tính, một người quay phim, dựng phim xuất sắc, cũng có rất nhiều hình xăm.
Nguyễn Tất Sỹ, chàng họa sĩ trẻ vẽ minh họa độc đáo cho nhiều cuốn sách, tạp chí có vài hình xăm nho nhỏ mang tên: Tay-Hít-Thở…
Lúc mình xăm hình này, mình có vấn đề kiểm soát sự căng thẳng của bản thân. Mình nhận ra sự căng thẳng buồn bã có thể dịu lại khi mình tập trung vào hơi thở. Mình muốn mỗi khi buồn bã, hình xăm như lời nhắc nhở mình về việc tập trung hơi thở, lắng nghe bản thân - Họa sĩ Nguyễn Tất Sỹ
Xeko, một nữ họa sĩ trẻ khác, tự vẽ và xăm lên tay hình ảnh của đàn chó ở nhà mình.
Nguyễn Hoàng Việt, một nhiếp ảnh có chất riêng, thì xăm chân dung của bà ngoại ở vị trí gần tim.
Có những người cha xăm hình mạch đập của trái tim đứa con khi còn trong bụng mẹ. Có người xăm tiếng khóc đầu tiên của nó được thể hiện bằng một hình ảnh sóng âm thanh.
Liếc một vòng những đồng nghiệp quanh tôi thì…, ôi thôi, đếm số người có hình xăm làm gì cho lâu, tốt nhất là đếm số không có hình xăm.
Hình này như một lời xin lỗi của mình tới những đứa nhỏ nhà mình, vì mình không ở bên lúc bọn nó mất. Nên mình xăm ở vị trí cánh tay, gần với ngực, để lúc nào cũng cảm thấy bọn nó ở bên cạnh-Xeko
Trước đây, khi xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức của Hà Nội, đã từng có đề xuất cấm cán bộ, công chức xăm mình, vẽ hình phản cảm, sử dụng trang sức - mỹ phẩm - nước hoa không phù hợp. Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, do đó, Bộ Quy tắc ứng xử của Hà Nội đã được ban hành và không có quy định này.
Thực tế, không ít công chức, viên chức, cả những người làm trong những ngành nghề vốn được quy ước là phải nghiêm trang đạo mạo như tòa án, viện kiểm sát… cũng vẫn có hình xăm.
Tuy nhiên, do đặc thù của công chức-viên chức hay các thẩm phán, công an, kiểm sát viên… là đại diện cơ quan công quyền tiếp xúc nhiều với người dân nên việc xăm hình cần không quá lộ liễu. Không nên xăm đầy một cánh tay rồi mặc áo tay ngắn chẳng hạn. Còn thì những hình xăm nhỏ hoặc ở những vị trí kín đáo sẽ chẳng gây ảnh hưởng gì cho diện mạo mà bạn buộc phải có nơi công sở.
Pháp luật cũng không có điều khoản nào cấm học sinh xăm hình
Từ lâu lắm rồi, hình xăm không còn là dấu hiệu đáng sợ của những người sống ngoài vòng pháp luật, “cái bọn xăm trổ” như cách gọi khinh miệt của một số người.
Những hình xăm phù hợp thể hiện khá rõ ràng cá tính và văn hóa của một cá nhân, lưu giữ một kỷ niệm, thậm chí một thông điệp, một tuyên ngôn mà người ấy theo đuổi, nó được chủ nhân yêu quý, nâng niu và giữ gìn.Cùng một ý nghĩa điểm tô cho cơ thể như vật trang sức, nhưng nó có thể sâu sắc và dài lâu hơn rất nhiều.
Hiện tại, pháp luật cũng không có điều khoản nào cấm học sinh xăm hình hay nhuộm tóc, làm móng tay móng chân. Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT về quy tắc ứng xử trong trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên… quy định về ngoại hình chung của tất cả người học, nhân viên, giáo viên trong trường chỉ nêu “mặc trang phục lịch sự, phù hợp môi trường giáo dục, không mặc trang phục phản cảm”.
Trả lời báo chí, thầy giáo Phạm Ngọc Đoán (phó hiệu trưởng trường PTTH Nguyễn Khuyến, Đồng Nai) cũng thừa nhận “nhà trường quy định học sinh không được xăm hình không dựa vào văn bản nào trong ngành giáo dục quy định cả”.
“Quy định này là do nội bộ nhà trường đưa ra, nhằm định hướng giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh. Ở đây chúng tôi muốn đảm bảo nguyên tắc định hướng giáo dục đạo đức lối sống, hoàn thiện nhân cách cho học sinh, để học sinh có điều kiện tốt nhất hoà nhập với xã hội sau khi hoàn thành chương trình học THPT. Đồng thời quy tắc xử lý vi phạm này phù hợp với chuẩn mực đạo đức đã được xã hội công nhận”-thầy Đoán nói.
Nhưng, lý luận của thầy Phạm Ngọc Đoán nghe ra phiến diện và rất nhiều lỗ hổng.
Cho dù ở trong nhà trường, với đối tượng là học sinh dưới 18 tuổi, nhưng tại sao nhà giáo dục lại đánh đồng những sở thích vô hại với đạo đức và nhân cách chứ?
Nếu cho rằng xăm hình, nhuộm tóc, làm móng tay móng tay là lỗi vi phạm, thì hóa ra những người xăm hình, nhuộm tóc, làm móng tay chân đều là không phù hợp chuẩn mực đạo đức của xã hội ư? Hình xăm, tóc nhuộm, móng tay… không bao giờ thể hiện được đạo đức hay nhân cách của một cá nhân. Một hình vẽ trong giới hạn thẩm mỹ, một màu tóc khác với màu đen bẩm sinh của người châu Á… thì suy đồi hay sa sút đạo đức ở chỗ nào mà không còn bảo đảm nguyên tắc định hướng giáo dục lối sống, hoàn thiện nhân cách của học sinh? Và căn cứ vào điều gì mà lo ngại học sinh xăm hình, nhuộm tóc… thì không thể hòa nhập với xã hội sau khi tốt nghiệp?
Giả sử một học sinh không đồng ý xóa hình xăm theo quy định của trường Nguyễn Khuyến nên chuyển đi trường khác học. Thế thì hóa ra các trường khác không phải môi trường đảm bảo giáo dục nhân cách đạo đức cho học sinh hay sao? Những nhà trường quốc tế nơi mà học sinh tha hồ xăm, vẽ, nhuộm, đeo khoen… cũng là môi trường thiếu chuẩn mực đạo đức hay sao?
Thật hài hước khi nghĩ rằng khi học sinh trường Nguyễn Khuyến chuyển trường hay tốt nghiệp thì chỉ một giờ đồng hồ sau, em tha hồ nhuộm tóc, xăm hình, làm móng… Làm gì có cái nhân cách đạo đức nào mà mới một giờ trước là “chuẩn mực”, một giờ sau lại vi phạm chuẩn mực như vậy?
Giả sử như học sinh có những hình xăm phản cảm thì nhà trường cần góp ý với em và gia đình, để tìm ra cách che giấu hay có biện pháp an toàn để thay đổi. Nhà trường hay bất cứ người nào khác cũng không được quyền bắt buộc học sinh xóa hình xăm thì mới được tiếp tục theo học, vì đó đã là can thiệp quá thô bạo vào đời sống riêng của học sinh.
Và tại sao nhà trường là nơi mà học sinh đến để được giáo dục bởi những nhà giáo được đào tạo chuyên nghiệp, nhưng chỉ vì cho rằng học sinh vi phạm nội quy mà nhà trường đã vội đẩy học sinh đó ra khỏi không gian giáo dục của mình?
Học sinh giữ hình xăm nhưng lại được tiếp tục học ở trường khác, vậy có thể hiểu là trường đó kém định hướng đạo đức nhân cách hơn trường cũ không?
Những quy định thiên kiến, quy kết của trường PTTH Nguyễn Khuyến cần phải thay đổi.
Quan điểm "có hình xăm chứng tỏ đạo đức kém" đã lạc hậu
Nội qui là một việc quan trọng giúp nhà trường giáo dục và dạy dỗ học sinh. Nội qui có hai vai trò:
a. Duy trì trật tự để mọi việc diễn ra (ở ngoài đường chúng ta có đèn xanh đèn đỏ là để giao thộng được thông suốt, ở nhà trường có nội qui là để việc giáo dục được diễn ra hiệu quả).
b. Truyền tải, duy trì giá trị mà nhà trường theo đuổi. (có nhà trường ở nơi này nêu nội qui học sinh nghe lời thầy cô giáo để truyền tải tinh thần tôn sự trọng đạo. Nhưng ở một số nơi khác, không có nội qui này vì học sinh được khuyến khích phản biện, tranh luận với thầy cô giáo vì họ khuyến khích giá trị tự do tư tưởng).
Có vai trò quan trọng như vậy, nhưng không phải lúc nào những nội qui cũng đạt được mục tiêu đề ra. Không chỉ trong nhà trường, mà trong xã hội có rất nhiều các nội qui, luật lệ lạc hậu. Những nội qui này trước đây có tác dụng, bây giờ không còn tác dụng nữa.
Để đánh giá một nội qui, chúng ta bàn đến nội dung và hình phạt kèm theo. Với nội qui không xăm hình trên người, xin xem xét việc xăm hình trên người có ảnh hưởng gì đến việc học tập của bản thân học sinh và các bạn khác hay không, có ảnh hưởng gì đến việc dạy dỗ của thầy giáo hay không?
Câu trả lời là không.
Dưới góc độ giá trị, nhà trường có thể muốn tạo dựng hình ảnh học sinh "ngoan ngoãn, chăm chỉ". Ngày xưa, khi những tù nhân hay xăm trổ trên người thì việc có hình xăm có thể gợi ý cho chúng ta biết người xăm hình đó có những nét tính cách xấu, tư cách đạo đức không tốt. Tuy nhiên quan điểm đó đã lạc hậu. Hiện tại việc xăm hình đã phổ biến hơn trong xã hội và được phát triển thành một nghệ thuật. Rất nhiều nghệ sĩ, vận động viên hay những người thành đạt trong xã hội có hình xăm.
Về hệ quả của hình phạt, đánh giá phù hợp hay không là một phạm trù khó. Đuổi học là hình phạt nặng nhất và nó thường được áp dụng với những vụ việc rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn, đến việc học tập cũng như có thái độ đạo đức rất tệ.
Trong vụ việc này, hình xăm là một hình xăm kín, và học sinh chỉ post lên mạng. Có nghĩa là các học sinh khác sẽ không nhìn thấy, không ảnh hưởng gì tới các bạn. Với tình thần giáo dục nhân văn, học sinh nên được tạo cơ hội khi có ý muốn sửa chữa. Nhà trường có thể yêu cầu học sinh xóa bỏ hình ảnh trên mạng, yêu cầu không tái phạm để lộ hình xăm cho người khác biết, đồng thời cho học sinh bị phạt một hình phạt nhẹ hơn. Như vậy, nhà trường vẫn tỏ được thái độ với hình xăm và vẫn có cơ hội để giáo dục, dạy dỗ học sinh.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Cao Minh, Trung tâm Tâm lý lâm sàng, Viện Tâm lý Việt Nam.
No comments:
Post a Comment