Vấn nạn chửi bậy, xúc phạm giáo viên trong một bộ phận học sinh:
Bài phóng sự nhằm mục đích phản ánh thói hư tật xấu của một bộ phận học sinh sau giờ tan học. Những vấn nạn tưởng chừng đã cũ mà dường như thế hệ học sinh nào cũng gặp phải như chửi bậy, hút thuốc - nhưng khi được trực tiếp nghe thấy, nhìn thấy, chúng tôi vẫn không khỏi giật mình. Một môi trường văn minh, trong sáng cho các bạn ở lứa tuổi học sinh - sinh viên vẫn luôn là ước mơ mà cần cả nhà trường, phụ huynh và chính các bạn - phải cùng nhau tạo dựng.
Lưu ý: Hình ảnh, clip được thực hiện trong tháng 4/2021
Khi bạn nghe một người nói "định mệnh", "đậu xanh".... mà đã biết ngay ý nghĩa chính xác của từ đó, ý người ta muốn diễn đạt - thì tức là chửi bậy đã trở thành "quen tai" từ mạng xã hội cho đến ngoài đời thực.
Đi dọc các trường sau khi tan học, nhóm PV không khỏi bất ngờ trước việc văng tục chửi bậy của một nhóm học sinh. Nhiều bạn dường như coi việc chửi bậy là trò đùa vô hại, liên tục văng ra những từ tục tĩu chẳng với mục đích gì.
Dù nhiều trường học đã đưa "cấm chửi bậy" trở thành một phần của nội quy, song chế tài quản lý lỏng lẻo khiến học trò vẫn tự do văng những tiếng tục tĩu. Thậm chí, nhiều bạn còn coi việc chửi bậy trở thành một phần trong cuộc sống, là ngôn ngữ cần có để giao tiếp với bạn bè.
Hai đoạn clip trên được phóng viên ghi lại ở một điểm trường cấp 2 tại quận Đống Đa (Hà Nội). Sau giờ tan học, nhóm nam sinh này cứ 1-2 câu lại chêm thêm một từ chửi bậy vào. Dù xung quanh cũng có khá nhiều phụ huynh đang chờ con cái tan học song vẫn không khiến nhóm học sinh "ngượng mồm" mà thể hiện ít đi.
Khi biết tin sẽ đươc nghỉ học ca chiều môn tiếng Anh, nhóm học sinh rủ nhau gọi cả hội đi hút thuốc lào ở một quán nước cạnh trường với những từ ngữ gây sốc như: "hút sốc v** cước", "hút lõi điếu to mới ngon"...
Đáng nói trong nhóm nam sinh có 1 học trò chưa đủ tuổi đi xe máy. Mặc kệ quy định an toàn giao thông "học sinh dưới 16 tuổi chưa được phép đi xe máy có dung tích trên 50 cm3", cùng lời khuyên của bạn về việc chiếc xe này chưa đủ an toàn, nam sinh vẫn tiếp tục phóng xe đi. Sau đó còn rú ga và lạng lách đến mức người qua đường cũng phải ngán ngẩm: "Thằng này đi xe thì kinh lắm".
Nam sinh dưới 16 tuổi chưa được phép đi xe máy có dung tích trên 50 cm3
Tại sao học sinh ngày nay lại chửi bậy nhiều đến vậy?
Thực tế trong mắt một bộ phận học sinh, việc chửi bậy là hình thức khá vô hại, chỉ để giải tỏa stress. Hay nguy hiểm hơn còn coi đây là điều chứng tỏ bản thân mình "ngầu", mình "không ngán một ai"...
Dù học trò học lực có tốt hay không thì đều có khả năng buông lời chửi bậy. Nguyên nhân một phần đến từ việc quá thoáng khi sử dụng mạng xã hội và trong việc tiếp nhận ngoài đời sống. Học trò không biết chọn lọc thứ cần được học, thứ nào nên tránh.
Sự thực là rất nhiều phụ huynh hay giáo viên không hề biết thực trạng của con em mình. Bởi học trò thường có xu hướng chửi bậy cùng bạn bè, đến khi về nhà thì lại hạn chế. Thế nên khi tận mắt chứng kiến màn nói tục, chửi bậy của con em mình, không ít cha mẹ đã vô cùng sửng sốt.
Nhóm nữ sinh vô tư chửi bậy, dùng từ ngữ tục tĩu khi nói về cô giáo khi bị phạt ở lại chép bài. Đáng chú ý, nhóm nữ sinh này cũng dùng ngôn ngữ khá 18+ để mối về quan hệ tình cảm của 1 bạn nam cùng lớp
Bạn Đ.H (học sinh lớp 11) cho biết: "Ảnh hưởng từ môi trường học tập và mọi người xung quanh dần hình thành thói quen. Khiến cách chửi bậy giống như 'câu chào cửa miệng'. Chúng mình nghĩ rằng thuận miệng thì nói thôi chứ cũng không có ác ý gì.
Thực tế việc chửi bậy còn khiến bọn mình có phần 'ngầu' hơn trong mắt bạn cùng lớp. Kể cả khi kiểm soát được hành vi thì đôi khi vì thói quen mà sẽ tiếp tục dùng từ chửi bậy. Bạn bè mình cũng dùng chửi bậy như ngôn ngữ hàng ngày nên khó lắm".
"Chửi bậy một câu thôi mà, hại đến ai đâu..."
"Chửi bậy thôi mà, hại ai đâu..." - Đó là nhận xét của nhiều học trò khi nghĩ đến chửi vậy. Xem nhẹ giá trị của những câu từ mình nói ra, một bộ phận học sinh khiến việc nói tục chửi bậy trở thành văn hóa độc trong giao tiếp của giới trẻ.
Chửi bậy đôi ba câu để xả stress thì không xấu. Nhưng khi việc bạn coi đó là một phần của giao tiếp, không làm gì cũng sẵn sàng văng tiếng chửi thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sinh ra tính cục cằn, chỉ cần việc nhỏ cũng dễ dàng buông lời tục tĩu.
Bạo lực học đường tưởng chừng phải bị ngăn chặn. Nhưng dường như thái độ của nhóm học sinh vô cùng thản nhiên, thậm chí còn đùa cợt: "Nếu đánh dưới canteen thì thuê tao đánh cũng được".
Khi quen dần với những từ nói bậy, học trò cũng sẽ bị nhiễm thứ ngôn ngữ đó, có thể dùng toàn câu "phụ khoa" để nói với người lớn hay gia đình. Rõ ràng việc tiếp nhận này được coi không chuẩn mực, tạo nên sự phản cảm đối với người lớn.
Bạn H.L (học sinh lớp 12 tại trường THPT Trần Hưng Đạo) cho biết: "Thực ra nói tất cả học sinh cấp 3 thích chửi bậy thì không phải vì có người thế này thế kia. Nhưng mình nghĩ đây là kiểu thói quen ảnh hưởng từ xã hội và do cả nhóm chửi bậy thì cũng quen miệng theo.
Nếu phải làm không chửi bậy trong 1 tuần thì chắc mình không làm được. Vì thứ nhất đây là thói quen, thứ 2 còn ảnh hưởng ngôn ngữ của bạn bè. Có những chuyện chỉ dùng những từ chửi bậy ấy làm kí hiệu thì cả bọn mới hiểu được vấn đề".
Quy định xử phạt học sinh chửi bậy thế nào?
Thực tế, trong các trường học hiện nay không có quy chế rõ ràng cho việc phạt học sinh chửi bậy. Hầu hết nội quy đều chỉ ghi chung chung là: Cấm học sinh dùng ngôn ngữ không chuẩn mực trong trường học.
Tùy vào trường học và mức độ nghiêm trọng của tình huống học sinh chửi bậy mà các trường sẽ có biện pháp phạt khác nhau. Ở như ở trường THPT Trí Đức (Hà Nội), nếu phát hiện học sinh văng tục, chửi bậy sẽ bị truy tới cùng. Hình phạt đơn giản nhất là xách 2 xô nước sạch ra ngoài gốc cây trước sân trường, học sinh phải múc từng ca nước sạch để súc miệng rồi nhổ vào cây.
Ở một trường phổ thông tại quận Tân Phú (TP.HCM) lại quy định quy trình xử lý việc học sinh chửi bậy như sau: Lần 1 - nhắc nhở; Lần 2 - mời phụ huynh lên làm việc. Nếu nhiều lần mà không thay đổi sẽ trả về gia đình tự giáo dục cùng với địa phương. Nếu năm sau học sinh thay đổi thì nhà trường mới nhận vào học lại.
Học sinh vô tư hút thuốc lào, chửi bậy sau giờ tan học
Hay như trên một diễn đàn có hàng nghìn giáo viên theo dõi, quản trị trang đã từng tổng hợp và chia sẻ hàng loạt hình thức xử phạt khác nhau trong trường học:
- Học sinh chửi bậy => Phạt đứng cúi đầu xin lỗi 20 lần.
- Học sinh xúc phạm giáo viên => Mời phụ huynh lên làm việc và khen ngợi trước, sau đó mới nói về vấn đề giáo viên bị xúc phạm. Học sinh tự xấu hổ và chủ động xin lỗi thầy cô (tâm phục khẩu phục).
- Học sinh chửi bố mẹ => Viết thư cảm ơn bố mẹ.
- Học sinh mất trật tự gây ảnh hưởng lớp => Phạt xin lỗi từng người trong lớp.
Tuy nhiên, nhà trường cũng khó thể quản lý được hết việc chửi bậy của học sinh, nhất là khi sau giờ tan học sẽ ngoài tầm kiểm soát. Thực tế cũng cho thấy học sinh cũng thường ít khi chửi bậy trước mặt người lớn mà chỉ thường nói khi có bạn bè, ở những nơi công cộng. Vậy nên rất cần sự chung tay giáo dục của cả gia đình và nhà trường, trên hết là ý thức của học sinh.
Theo thông tư 32/2020/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực từ ngày 1/11/2020 quy định rõ:
Học sinh không được làm:
- Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
- Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
Cũng theo thông tư này, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD-ĐT.
"Quán nước trước cổng trường" - Xuất phát từ một địa điểm rất quen thuộc là những quán nước ngay trước cổng trường - nơi các bạn học sinh thường tụ tập để tán gẫu, chúng tôi đã quan sát và ghi lại cận cảnh những góc khuất, những hiện tượng tiêu cực trong đời sống một bộ phận học sinh hiện nay.
Nếu muốn chia sẻ thông tin, hãy liên hệ với chúng tôi qua email: Hocduong@kenh14.vn
No comments:
Post a Comment